Phương pháp dịch thuật

Thảo luận trong 'Anh - Việt' bắt đầu bởi Mèo lười, 18/11/15.

  1. Mèo lười

    Mèo lười Member

    Tham gia ngày:
    6/11/15
    Bài viết:
    40
    "Ngôn ngữ bất đồng" là nguyên nhân chính của mọi vấn đề có liên quan đến dịch thuật. Vấn đề tồn tại khắp nơi: trong thực hành (tỉnh lược, bổ sung, dịch tự do, ..), trong từ ngữ, thành ngữ (tên riêng, lối chơi chữ, ẩn dụ), trong ngữ pháp, cú pháp, ngữ nghĩa, dụng pháp, ...

    1. Tỉnh lược

    Tỉnh lược được hiểu là lược bỏ một từ, đoạn câu, câu của văn bản gốc vì một lý do nào đó trong quá trình dịch. Hành động này có thể dẫn đến hai kết quả: bản dịch hoặc mất thông tin cần thiết, hoặc mất thông tin không cần thiết.

    Mất thông tin cần thiết là hậu quả của việc dịch thiếu. Dịch thiếu có thể vì lý do kiểm duyệt, hoặc chủ ý dịch lướt, dịch tóm tắt, hoặc thiếu kiến thức ngôn ngữ.

    Ngược lại, lược bỏ những thông tin dư thừa, không thực dụng đối với ngôn ngữ dịch thì lại hữu lý. Câu người Anh nói"Good morning Mr. Bush" dịch sang tiếng Việt thành "Chào ông Bush" là hữu lý. Từ "morning" được lược bỏ vì người Việt không có lối hành ngôn "chào buổi sáng".

    2. Bổ sung

    Thường thì không có lý do gì để bổ sung vào bản dịch những ý tưởng không tồn tại trong bản gốc.

    Bổ sung chỉ có ý nghĩa khi người dịch muốn lập câu cho đúng ngữ pháp ngôn ngữ dịch hoặc muốn làm rõ ý tác giả, ẩn dụ bằng cách ghi chú, giải thích.

    Ví dụ: Lập câu đúng ngữ pháp: Tiếng Anh (văn bản gốc): He has done his duty, as we have ours. Tiếng Việt (văn bản dịch): Hắn đã làm tròn bổn phận của hắn cũng như chúng ta đã làm tròn bổn phận của chúng ta.

    Mệnh đề sau của văn bản gốc được hiểu ngầm là "as we have done our duty". Hai phần tử "done" và "duty" bị lược bỏ, một dạng tỉnh lược (Ellipse) thường dùng trong tiếng Anh.

    Về mặt ngữ dụng, người Anh có thể hành ngôn như thế nhưng người Việt thì không. Không thể dịch văn bản tiếng Anh bên trên sang tiếng Việt thành "Hắn đã làm tròn bổn phận của hắn cũng như chúng ta đã của chúng ta" (= "as we have ours"). Bởi mệnh đề sau ("chúng ta đã của chúng ta") không đúng ngữ pháp tiếng Việt, nên mới cần được bổ sung bằng cụm từ "làm tròn bổn phận" : "cũng như chúng ta đã làm tròn bổn phận của chúng ta".

    3. Dịch lệch ý

    Vấn đề dịch lệch ý rất thường xảy ra trong dịch thuật. Người đọc không thể nào thấy lỗi này nếu không có bản gốc để mà đối chiếu.

    Nguyên nhân của dịch lệch ý thường là: + thiếu thẩm năng ngôn ngữ. Ví dụ người dịch rất giỏi tiếng Việt (ngôn ngữ dịch) nhưng yếu tiếng Anh (ngôn ngữ gốc), hoặc ngược lại. + không nắm vững tư tưởng, tính văn hóa, xã hội, tôn giáo, lịch sử, ... của nguyên tác.

    Ví dụ, Allah là Chúa của tín đồ Hồi giáo nhưng thường được dịch sang tiếng Việt là thánh Allah. + thiếu kiến thức chuyên môn.

    Ví dụ nguyên bản là một chuyên luận nói về tin học, nhưng người dịch lại không có hoặc có rất ít kiến thức về lĩnh vực này, kể cả những kiến thức liên quan đến nó. + tái dịch một văn bản đã được dịch từ văn bản gốc. Ví dụ dịch lại một bản tiếng Anh đã được dịch từ nguyên bản tiếng Ðức. Hoặc dịch lại một từ tiếng Anh đã được dịch từ một từ tiếng Pháp. + thiếu cẩn thận, thiếu kiên nhẫn.

    Ví dụ dịch sai một từ vốn quen thuộc, hoặc thiếu kiên nhẫn tìm hiểu ý nghĩa thật của từ gốc. + thiên vị, xuyên tạc. Ví dụ cách dịch tiếng xưng hô ngoại ngữ sang tiếng Việt: "he" (tiếng Anh) được dịch thành"Người", "ngài", "ông ta", ... nếu nhân vật ấy được kính trọng, còn không, rất dễ bị dịch thành "nó", "hắn", ...

    Nét cá biệt của tiếng xưng hô trong ngôn ngữ (điển hình là tiếng Việt) cũng là một trong những vấn đề dịch thuật.

    4. Dịch tự do

    Dịch tự do là cách dịch không theo sát câu cú mà chỉ nắm ý văn bản gốc rồi hành ngôn theo ngôn ngữ dịch. Lợi điểm của cách dịch này là lời văn nghe tự nhiên hơn. Trái lại, nhược điểm của nó là vì được tự do, cho nên thường xảy ra hiện tượng biến tấu tùy tiện, quá đà, đặc biệt là đối với những văn bản mang tính tinh thần như triết học, thần học, văn chương.

    Nên nhớ, mỗi văn bản đều gắn chặt với mối tương quan văn hóa nhất định; người dịch cần tôn trọng điểm này của văn bản gốc. Thiếu kỷ luật, người dịch dễ làm hỏng tính tương đương mỹ hình, dễ làm lệch ý văn bản gốc; thậm chí công việc đang làm không còn có nghĩa là dịch nữa mà là phỏng tác, phỏng dịch. 5. Ða nghĩa Ða nghĩa là một vấn đề lớn của dịch thuật. Đôi khi có một từ đa nghĩa trong bản gốc được hiểu theo nhiều nghĩa mà không thể diễn tả được hết bằng ngôn ngữ dịch.

    Ví dụ: "Bà già đi chợ cầu Ðông, Hỏi thăm thày bói có chồng lợi chăng. Thày bói xem quẻ nói rằng, Lợi thì có lợi nhưng răng không còn." Chữ "lợi" trong bài ca dao trên có hai nghĩa: ích lợi và nướu răng. Có lẽ không có một thứ tiếng nào ngoài tiếng Việt có một từ chứa hai nghĩa ấy. Nếu vậy, muốn diễn tả đủ ý thì phải dùng đến hai từ, và vì thế mà bản dịch sẽ mất hay. Đây là một trường hợp mà giới trung thành với nguyên tắc khả diễn phải bó tay. Trong trường hợp này, nếu chấp nhận giải pháp dịch sát, người dịch phải kèm theo chú thích.

    6. Tên riêng

    Tên riêng được ví như một nhãn hiệu, một biểu tượng có nghĩa dành riêng cho một cá thể. Theo nguyên tắc tôn trọng biểu tượng cá nhân, không nên dịch tên riêng.

    Ví dụ, "Formel 1" là tên một giải đua xe quốc tế thường thấy báo chí quốc nội dịch sang tiếng Việt thành "Công thức 1". Nếu cái tên đã có nghĩa thì nó nên nói với người đọc bản dịch đúng cái nghĩa mà nó đã nói với người đọc bản gốc (Güttinger 1963:79). Do đó, thay vì dịch, chỉ nên ghi chú khi cần thiết. Ngoài ra, phiên âm tên riêng cũng là một điểm cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

    Cách thức này chỉ hợp lý và cần thiết khi chữ viết của ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch không có cùng một hệ thống ký tự (v.d. tiếng Việt dùng hệ thống ký tự Latinh, tiếng Hoa dùng hệ thống ký tự Hán). Còn không, nên giữ đúng tên riêng của nguyên bản, không nên biến hóa tên riêng bằng cách phiên âm như "Goethe" thành "Gớt", "Karl Marx" thành "Các Mác", "Alexandre de Rhodes" thành "A-lếch-xăng Đờ Rốt" ... .

    7. Chơi chữ

    Chơi chữ là một cách hành ngôn đặc thù của ngôn ngữ thơ. Hình thức này rất khó dịch hoặc không dịch được ngoài biện pháp cắt nghĩa.

    8. Tượng thanh, tượng hình Tượng thanh, tượng hình là một trong những nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong văn chương. Rất khó dịch, nhất là cần có vần, có điệu.

    9. Ẩn dụ, thành ngữ

    Ẩn dụ là một phép dùng một đối tượng cụ thể có nghĩa đen ngầm ám chỉ một điều gì đó theo nghĩa bóng. Thành ngữ cũng có tính nói bóng gió tương tự. Ẩn dụ, thành ngữ thường mang tính địa phương, dân tộc (mang tính văn hoá); cho dù có dịch được nhưng chưa chắc người lạ đã hiểu được nghĩa ám chỉ, nếu không nhờ chú thích.

    ví dụ: "Carry coals to Newcastle." -> "Chở than đá về Newcastle"= "chở củi về rừng". (Newcastle là thành phố ở Anh có cảng xuất khẩu than lớn nhất thế giới, tức là đừng mang thứ gì đó tới một nơi đã quá thừa thãi rồi.)

    10. Vần, thanh điệu

    Mỗi ngôn ngữ đều có vần song không hẳn đã là một ngôn ngữ thanh điệu (Tonsprache). Tiếng Việt là một ngôn ngữ thanh điệu tiêu biểu của vùng Ðông Á. Đối với loại ngôn ngữ này, thanh điệu là một trong những yếu tố quyết định chữ/tiếng. Tiếng Việt có 6 thanh điệu được ký hiệu bằng dấu sắc, hỏi, huyền, ngã, nặng và không dấu. Trong thơ có luật, thanh điệu còn được chia ra hai loại "bằng" và "trắc". Khó có thể dịch một bài thơ lục bát vừa đúng thanh điệu vừa đúng vần sang một ngôn ngữ phi thanh điệu như tiếng Anh, tiếng Ðức. Muốn dịch loại thơ này, có lẽ phải dùng đến lối kiến tạo tương đương mỹ hình.
     

Chia sẻ trang này